Tìm hiểu: Các loại báo cáo thuế, tờ khai thuế phải nộp, thời hạn nộp báo cáo thuế theo quý/tháng, nộp tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN & mức phạt khi chậm nộp.
Nội dung chính:
- Các loại báo cáo thuế, tờ khai thuế cần phải nộp trong năm
- Thời hạn nộp các loại báo cáo thuế, tờ khai thuế trong năm
- 1. Thời hạn nộp tờ khai lệ phí (thuế) môn bài
- 2. Thời hạn nộp báo cáo, tờ kê khai thuế GTGT & thuế TNCN
- 3. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
- 4. Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
- Mức phạt chậm nộp tờ khai thuế & chậm nộp báo cáo thuế
- Một số câu hỏi thường gặp về báo cáo thuế, tờ khai thuế
CÁC LOẠI BÁO CÁO THUẾ, TỜ KHAI THUẾ CẦN PHẢI NỘP TRONG NĂM
Định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm doanh nghiệp cần nộp khá nhiều loại báo cáo và tờ khai thuế khác nhau (lệ phí môn bài, thuế môi trường, thuế giá trị gia tăng…). Tuy nhiên, thông thường doanh nghiệp sẽ nộp 5 loại báo cáo, tờ khai thuế chính dưới đây:
- Lệ phí (thuế) môn bài;
- Tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT);
- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN);
- Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn;
- Báo cáo tài chính, tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Doanh nghiệp bắt buộc phải hoàn thành và nộp các báo cáo, tờ khai thuế trên theo đúng quy định của pháp luật, nếu không sẽ bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp, doanh nghiệp có phát sinh thêm những loại thuế, báo cáo khác chẳng hạn như: Thuế xuất nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế môi trường… thì doanh nghiệp phải bổ sung tờ khai để nộp.
Vậy, lịch nộp tờ khai, báo cáo thuế 2022 được quy định như thế nào? Tiền thuế phải nộp và nếu nộp chậm bị xử phạt ra sao? Thuế Như Ý sẽ giúp bạn làm rõ dưới đây.
THỜI HẠN NỘP CÁC LOẠI BÁO CÁO THUẾ, TỜ KHAI THUẾ TRONG NĂM
Thời hạn nộp tờ khai thuế, báo cáo thuế và các trường khác được quy định bởi Luật Quản lý thuế 2019. Căn cứ theo 5 loại tờ khai, báo cáo thuế chính cần nộp trong năm, dưới đây là quy định thời hạn nộp cụ thể của từng loại.
1. Thời hạn nộp tờ khai lệ phí (thuế) môn bài
➤ Quy định thời hạn nộp tờ khai lệ phí (thuế) môn bài
Trước ngày 30/01 của năm sau năm thành lập, doanh nghiệp mới thành lập (hoặc chuyển đổi từ hộ kinh doanh) và mới bắt đầu sản xuất, kinh doanh cần tiến hành khai lệ phí (thuế) môn bài, nộp tờ khai cho cơ quan thuế.
Ví dụ: Công ty Thuế Như Ý thành lập trong năm 2021, thì Thuế Như Ý cần phải nộp tờ khai lệ phí môn bài trước ngày 30/01/2022.
Doanh nghiệp chỉ cần nộp tờ khai lệ phí môn bài 1 lần duy nhất khi mới thành lập, trừ một số trường hợp sau:
- Trong năm có sự thay đổi về vốn điều lệ đã đăng ký;
- Thành lập mới hoặc chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Để được tư vấn miễn phí, hỗ trợ hoàn thành nhanh chóng thủ tục kê khai thuế ban đầu, bạn có thể tham khảo dịch vụ làm thủ tục, hồ sơ kê khai thuế ban đầu.
➤ Mức lệ phí môn bài doanh nghiệp cần nộp theo quy định mới tại Nghị định 22/2020
Mức lệ phí môn bài mà doanh nghiệp phải đóng được căn cứ vào vốn điều lệ/vốn đầu tư được ghi trong giấy chứng nhận đăng ký, cụ thể như sau:
Bậc | Vốn điều lệ/ vốn đầu tư | Mức lệ phí môn bài |
1 | Trên 10 tỷ đồng | 3.000.000đ/năm |
2 | Từ 10 tỷ đồng trở xuống | 2.000.000đ/năm |
3 | Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác. | 1.000.000đ/năm |
Ví dụ:
Công ty Thuế Như Ý thành lập ngày 22/08/2021 với mức vốn điều lệ đăng ký là 9.900.000.000đ thì năm 2021 công ty Thuế Như Ý được miễn lệ phí môn bài; thời hạn kê khai lệ phí môn bài 2022 của công ty Thuế Như Ý chậm nhất ngày 30/01/2022 và mức lệ phí môn bài năm 2022 phải đóng là 2.000.000đ.
➤ Các trường hợp miễn lệ phí môn bài
Doanh nghiệp được miễn nộp lệ phí (thuế) môn bài trong các trường hợp sau:
- Đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể:
- Được miễn lệ phí (thuế) môn bài trong 3 năm đầu (tính từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh);
- Trong thời hạn được miễn thuế môn bài, nếu doanh nghiệp thành lập đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh) thì đơn vị phụ thuộc đó cũng được miễn lệ phí môn bài.
- Các doanh nghiệp thông thường khác được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc mới bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
2. Thời hạn nộp báo cáo, tờ kê khai thuế GTGT & thuế TNCN
Thời hạn nộp báo cáo, tờ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) & thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ phụ thuộc vào việc doanh nghiệp kê khai thuế theo tháng hay theo quý, được quy định như sau:
➤ Đối tượng kê khai thuế theo quý/theo tháng
Đối tượng kê khai thuế GTGT, bao gồm:
- Đối tượng nộp tờ kê khai thuế GTGT theo quý:
- Doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống;
- Doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh: Giai đoạn đầu việc khai thuế thực hiện theo quý, sau 12 tháng (tính từ ngày hoạt động) sẽ căn cứ vào doanh thu như trên để thực hiện nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý.
- Đối tượng nộp tờ kê khai thuế GTGT theo tháng:
- Doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng;
- Doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai theo quý nhưng đề nghị chuyển sang kê khai thuế theo tháng.
Đối tượng kê khai thuế TNCN, bao gồm:
- Đối tượng nộp tờ kê khai thuế TNCN theo quý:
- Nếu doanh nghiệp có phát sinh thuế TNCN < 50 triệu;
- Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý.
- Đối tượng nộp tờ kê khai thuế TNCN theo tháng:
- Nếu doanh nghiệp có phát sinh thuế TNCN > 50 triệu;
- Doanh nghiệp chỉ có hoạt động kinh doanh ngành nghề không chịu thuế GTGT.
➤ Thời hạn nộp báo cáo thuế, nộp tờ khai thuế GTGT, thuế TNCN
Thời hạn nộp báo cáo, nộp tờ khai thuế GTGT & thuế TNCN kê khai theo tháng, theo quý được quy định giống nhau, chi tiết như sau:
Hồ sơ cần nộp | Thời hạn nộp theo quý | Thời hạn nộp theo tháng |
Tờ khai thuế thuế GTGT
& thuế TNCN |
Chậm nhất ngày cuối cùng của tháng đầu tiên quý sau | Chậm nhất ngày 20 của tháng sau |
Ví dụ:
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT; tờ khai thuế TNCN quý 3/2021 chậm nhất là ngày 31/10/2021;
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT; tờ khai thuế TNCN tháng 8/2021 chậm nhất là ngày 20/08/2021.
Lưu ý:
Trong tháng/quý, dù doanh nghiệp có phát sinh hay không phát sinh doanh thu, không phát sinh khấu trừ thuế TNCN vẫn phải nộp tờ khai thuế GTGT, tờ khai thuế TNCN theo quy định;
Thời hạn nộp báo cáo thuế, tờ khai thuế từng lần phát sinh: Chậm nhất ngày thứ 10 (tính từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế).
Tham khảo dịch vụ kế toán (báo cáo thuế) trọn gói tại Thuế Như Ý để được giải quyết tất cả vấn đề liên quan đến nộp tờ khai, báo cáo thuế, kế toán từ đầu đến cuối năm.
3. Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Quy định thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp căn cứ vào hóa đơn, chứng từ để tự tạm tính số tiền thuế TNDN phải nộp hàng quý;
- Nếu trong quý có phát sinh thuế TNDN thì chỉ cần nộp tiền thuế TNDN (chậm nhất ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý sau) mà không cần nộp tờ khai thuế TNDN theo quý;
- Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN theo năm: Chậm nhất ngày cuối cùng của tháng thứ 3 (tính từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính).
Ví dụ: Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2021 nộp chậm nhất là ngày 31/03/2022.
4. Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
➤ Quy định nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
- Ngoại trừ doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế thì phải báo cáo theo tháng, còn lại đa số tất cả doanh nghiệp đều nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý;
- Trường hợp chưa sử dụng hóa đơn cũng phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn;
- Doanh nghiệp mới thành lập, chưa thông báo phát hành hóa đơn thì chưa cần làm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
➤ Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
- Đối với doanh nghiệp nộp báo cáo theo quý: Chậm nhất ngày 30 tháng đầu tiên của quý sau;
- Đối với doanh nghiệp nộp báo cáo theo tháng: Chậm nhất ngày 20 của tháng sau.
Ví dụ: Thời hạn nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý 3/2021 chậm nhất là ngày 30/10/2021.
➤ Cách nộp tờ khai thuế, báo cáo thuế
Ngoài cách nộp thuế trực tiếp tại cơ quan quản lý thuế, bạn có thể nộp các loại báo cáo, nộp tờ khai qua mạng tại Cổng thông tin của Tổng cục Thuế.
MỨC PHẠT CHẬM NỘP TỜ KHAI THUẾ & CHẬM NỘP BÁO CÁO THUẾ
Trong quá trình kinh doanh, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp chậm nộp báo cáo, tờ khai thuế. Do đó, doanh nghiệp cần nắm các mức xử phạt chậm nộp tờ khai, báo cáo thuế dưới đây để hạn chế tối đa việc nộp chậm, tránh mất tiền nộp phạt và tốn thời gian xử lý.
➤ Mức phạt chậm nộp tờ khai, báo cáo thuế GTGT, TNDN, TNCN, lệ phí (thuế) môn bài
Tùy theo thời hạn nộp chậm như thế nào, có tình tiết tiết giảm nhẹ, tăng nặng hay không mà mức phạt sẽ khác nhau. Về cơ bản, Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định mức phạt nộp chậm như sau:
Thời hạn chậm | Mức phạt |
Từ 01 – 05 ngày | Cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ (vi phạm lần đầu) |
Từ 01 – 30 ngày | Từ 2.000.000đ – 5.000.000đ |
Từ 31 – 60 ngày | Từ 5.000.000đ – 8.000.000đ |
Từ 61 – 90 ngày | Từ 8.000.000đ – 15.000.000đ |
Trên 90 ngày (không phát sinh số thuế phải nộp) | Từ 8.000.000đ – 15.000.000đ |
Trên 90 ngày (có phát sinh số thuế phải nộp & đã nộp đủ số tiền thuế) | Từ 15.000.000đ – 25.000.000đ |
➤ Công thức phạt chậm nộp tiền thuế môn bài
Phạt chậm nộp tiền lệ phí môn bài được tính theo công thức dưới đây:
Số tiền chậm nộp | = | Mức lệ phí môn bài | x | 0.03% | x | Số ngày chậm nộp |
➤ Mức phạt chậm nộp tờ khai báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Thời hạn chậm | Mức phạt |
Từ 01 – 05 ngày | Cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ |
Từ 01 – 10 ngày | Từ 1.000.000đ – 3.000.000đ |
Từ 11 – 20 ngày | Từ 2.000.000đ – 4.000.000đ |
Từ 21 – 90 ngày | Từ 4.000.000đ – 8.000.000đ |
Trên 90 ngày | Từ 5.000.000 – 15.000.000đ |
➤ Gia hạn nộp báo cáo, tờ khai thuế
Trường hợp gia hạn nộp báo cáo, nộp tờ khai chỉ áp dụng cho đối tượng nộp thuế không có khả năng nộp đúng thời hạn, do: thiên tai, bệnh dịch, tai nạn bất ngờ…
Thời hạn gia hạn:
- Không quá 30 ngày đối với việc nộp báo cáo, tờ khai thuế theo tháng/quý/năm hoặc theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế;
- Không quá 60 ngày đối với doanh nghiệp nộp quyết toán thuế (tính từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế).