Các chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên vào các dịp Lễ, Tết (quà Tết, quà Trung thu,…) có xuất hóa đơn GTGT đầu ra khi cho, tặng nhân viên hay không? Thuế GTGT đầu ra đó có được khấu trừ hay không? Chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên có được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN?
Các vấn đề cần giải quyết:
1/ Có phải xuất hóa đơn GTGT đầu ra đối với các chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên vào các dịp Lễ, Tết? Hướng dẫn xuất hóa đơn GTGT đầu ra đối với hàng cho, tặng nhân viên.
2/ Thuế GTGT đầu ra tương ứng với hóa đơn xuất cho, tặng nhân viên có được khấu trừ ?
3/ Chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên có được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN hay không?
1/ Có phải xuất hóa đơn GTGT đầu ra đối với các chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên vào các dịp Lễ, Tết? Hướng dẫn xuất hóa đơn GTGT đầu ra đối với hàng cho, tặng nhân viên.
– Thông thường, vào các dịp Lễ, Tết như: Trung thu, Tết Nguyên đán,…doanh nghiệp thường có khoản chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên để khuyến khích nhân viên làm việc. Vậy các khoản chi phí này, về khía cạnh của doanh nghiệp có phải xuất hóa đơn GTGT đầu ra hay không?
Theo Điều 3, Khoản 7, Thông tư 26/2015/TT-BTC được ban hành ngày 27/02/2015 sửa đổi bổ sung Điều 16, thông tư 39/2014/TT-BTC có đề cập nội dung như sau: “Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).
Nội dung trên hóa đơn phải đúng nội dung nghiệp vụ kinh tế phát sinh; không được tẩy xóa, sửa chữa; phải dùng cùng màu mực, loại mực không phai, không sử dụng mực đỏ; chữ số và chữ viết phải liên tục, không ngắt quãng, không viết hoặc in đè lên chữ in sẵn và gạch chéo phần còn trống (nếu có). Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo.”
– Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh các khoản chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên vào các dịp Lễ, Tết,… cần xuất hóa đơn GTGT đầu ra và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ như hoạt động bán hàng hóa, dịch vụ tại doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp xuất hóa đơn GTGT đầu ra cụ thể như thế nào?
Ví dụ: Vào dịp Lễ Trung thu năm 2018, công ty TNHH Dịch Vụ Tư Vấn Thuế Như Ý có tổ chức đặt bánh trung thu tại cửa hàng bánh ABC Bakery để cho, tặng nhân viên. Chi phí liên quan đến việc đặt bánh là 4.500.000 đồng. Và, công ty ABC Bakery có xuất hóa đơn GTGT đầu vào (mẫu đính kèm hóa đơn đầu vào) ngày 25/08/2018. Vậy, khi công ty TNHH Dịch Vụ Tư Vấn Thuế Như Ý thực hiện việc cho, tặng nhân viên thì phải xuất hóa đơn GTGT đầu ra (mẫu đính kèm hóa đơn đầu ra). Lưu ý: Doanh nghiệp nên đính kèm bảng kê 001/BK là danh sách nhân viên được tặng quà trung thu, có chữ ký xét duyệt của Giám đốc và chữ ký của nhân viên nhận quà cùng với hóa đơn GTGT đầu ra.
– Mẫu đính kèm hóa đơn GTGT đầu vào.
– Mẫu đính kèm hóa đơn GTGT đầu ra.
2/ Thuế GTGT đầu vào tương ứng với hóa đơn xuất cho, tặng nhân viên có được khấu trừ?
Theo Khoản 5, Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định về nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT như sau: “Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa (kể cả hàng hóa mua ngoài hoặc hàng hóa do doanh nghiệp tự sản xuất) mà doanh nghiệp sử dụng để cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo dưới các hình thức, phục vụ cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì được khấu trừ”.
– Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh các khoản chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên vào các dịp Lễ, Tết,… và doanh nghiệp có chi phí đầu vào thì thuế GTGT đầu vào đó sẽ được khấu trừ.
Ví dụ: Vào dịp Lễ Trung thu năm 2018, công ty TNHH Dịch Vụ Tư Vấn Thuế Như Ý có tổ chức đặt bánh trung thu tại cửa hàng bánh ABC Bakery để cho, tặng nhân viên. Chi phí liên quan đến việc đặt bánh là 4.500.000 đồng, thuế GTGT là: 450.000 đồng. Và, công ty ABC Bakery có xuất hóa đơn GTGT đầu vào ngày 25/08/2018. Vậy, khi công ty TNHH Dịch Vụ Tư Vấn Thuế Như Ý thực hiện việc cho, tặng nhân viên thì phải xuất hóa đơn GTGT đầu ra và tiền thuế GTGT đầu vào tương ứng sẽ được khấu trừ.
3/ Chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên có được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN hay không?
Tương tự như 2 trường hợp trên, phần chi phí quà tặng cho nhân viên phải xuất hóa đơn GTGT đầu ra và phần thuế GTGT đầu vào tương ứng sẽ được khấu trừ. Nhưng, có phải tổng chi phí đầu vào và thuế GTGT đầu vào sẽ được khấu trừ toàn bộ hay sẽ dựa vào đâu để căn cứ xác định chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN đối với phần chi phí này?
Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Điều 6, Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về những khoản được trừ liên quan đến khoản phúc lợi khi tính thuế TNDN như sau: “ Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.
Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế)”.
– Vì vậy, trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh các khoản chi phí liên quan đến quà tặng cho nhân viên vào các dịp Lễ, Tết,… thì khoản chi phí được xem như là chi phí phúc lợi và được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên, tổng các khoản chi phúc lợi trong năm của doanh nghiệp chỉ được trừ tối đa không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm.
Ví dụ: Trong năm 2017, tổng quỹ lương (không bao gồm quỹ lương dự phòng) thực chi trả cho nhân viên công ty TNHH Dịch Vụ Tư Vấn Thuế Như Ý theo BCTC năm 2017 là 1.500.000.000 đồng. Trong đó, khoản chi phí phúc lợi chi trả cho nhân viên trong năm là: 100.000.000 đồng. Thì khi tính quỹ lương bình quân 1 tháng của công ty Thuế Như Ý đã chi trả cho nhân viên là: 1.500.000.000 đồng/12 tháng = 125.000.000 đồng < 100.000.000 đồng
- Vậy, khoản chi phí 100.000.000 đồng chi trả cho các khoản phúc lợi trong năm sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN năm 2017 và khoản thuế GTGT đầu vào tương ứng sẽ được khấu trừ.
- Trong trường hợp giả sử công ty Thuế Như Ý chi trả phúc lợi trong năm là 150.000.00 đồng vượt quá 125.000.000 đồng (quỹ lương bình quân 1 tháng của công ty) thì chỉ được tính vào chi phí được trừ là 125.000.000 đồng và được khấu trừ thuế GTGT tương ứng với phần chi phí với chi phí được trừ. Phần vượt định mức sẽ không được tính vào chi phí được trừ và không được khấu trừ thuế GTGT.