Chi phí kế toán là gì? Khác biệt giữa chi phí kế toán và chi phí tính thuế TNDN về: Khái niệm, quy định, chi phí lãi vay, chi phí khấu hao tài sản cố định… Có ví dụ cụ thể.
Nội dung chính:
- I. Chi phí kế toán là gì?
- II. Sự khác nhau giữa chi phí kế toán và chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp
- III. Một số câu hỏi về chi phí kế toán và chi phí tính thuế TNDN
Hiện nay, các doanh nghiệp đang nhầm lẫn hoặc hiểu sai khoản chi phí kế toán và chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp là một. Trên thực tế, chi phí kế toán và chi phí thuế TNDN có những đặc điểm khác nhau. Và bài viết dưới đây giúp cho các doanh nghiệp nhận biết được cụ thể sự khác nhau về quy định, tính chất của 2 khoản chi phí này.
- CHI PHÍ KẾ TOÁN LÀ GÌ?
- Chi phí kế toán là tất cả những khoản chi phí mà doanh nghiệp thực tế phải bỏ ra khi sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
- Những khoản chi phí kế toán bao gồm như: khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng, mua sắm nguyên, nhiên, vật liệu, tiền lương trả cho nhân viên hay thanh toán các khoản lãi khi đi vay… Những khoản chi phí này thường gắn liền với số lượng đầu ra cần sản xuất nhất định;
- Chi phí kế toán luôn luôn thể hiện thông qua các dòng tiền mà người chủ doanh nghiệp chi trả, thanh toán các khoản chi phí ban đầu mà doanh nghiệp bỏ ra đầu tư cho việc sản xuất, kinh doanh của mình;
- Về nguyên tắc cơ bản, có thể dễ dàng ghi chép trong sổ sách kế toán các khoản chi phí kế toán mà người khác có thể kiểm chứng được.
- SỰ KHÁC NHAU GIỮA CHI PHÍ KẾ TOÁN VÀ CHI PHÍ TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
- Khái niệm
- Chi phí kế toán là tất cả những khoản chi phí mà doanh nghiệp trực tiếp bỏ ra đầu tư trong quá trình sản xuất sản phẩm, cung cấp hàng hóa dịch vụ;
- Chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm làm căn cứ xác định kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính hiện hành.
- Về quy định
- Chi phí kế toán áp dụng quy định theo luật kế toán;
- Chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng quy định theo luật thuế.
- Chi phí phát sinh trong kỳ không có hóa đơn, chỉ có hóa đơn bán lẻ
➤ Theo Luật Kế toán: Được tính vào chi phí hợp lý, hạch toán và ghi nhận theo số thực chi.
Ví dụ:
Công ty Minh Tâm chi mua quạt treo tường ngày 15/07/2022 của cửa hàng kinh doanh Nội Thất giá trị là 350.000đ, công ty Minh Tâm đã thanh toán bằng tiền mặt, cửa hàng kinh doanh Nội Thất chỉ viết hóa đơn bán lẻ cho công ty Minh Tâm ➞ Theo Luật Kế toán đây là khoản chi phí hợp lý, được hạch toán vào chi phí quản lý như sau:
– Nợ TK 6422: 350.000đ;
– Có TK 111: 350.000đ.
➤ Theo Luật Thuế: Các khoản chi phí không có hóa đơn giá trị gia tăng, chỉ có hóa đơn bán lẻ không được tính là chi phí được trừ, chỉ trừ trường hợp công ty có lập bảng kê mẫu 01/TNDN – bảng kê thu mua hàng hóa không có hóa đơn.
Ví dụ:
Ngày 01/07/2022 công ty Rau Củ Quả chuyên bán rau sạch cho các hệ thống siêu thị. Mua rau củ quả từ hộ nông dân, cá nhân không xuất hóa đơn:
– Trần Văn A: 5.000.000đ;
– Trần Văn B: 7.500.000đ.
Công ty Rau Củ Quả lập bảng kê mẫu 01/TNDN để xác định chi phí đầu vào hợp lý.
- Chi phí trích khấu hao tài sản cố định
4.1. Thời gian tính khấu hao
➤ Theo Luật Kế toán: Dựa trên ước tính thời gian sử dụng của tài sản đó;
➤ Theo Luật Thuế: Thời gian trích khấu hao tài sản cố định phải dựa theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC.
4.2. Khấu hao tài sản cố định tương ứng với phần nguyên giá trên 1,6 tỷ là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ ô tô chuyên chở hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn…)
➤ Theo Luật Kế toán: Nguyên giá xe ô tô được tính theo giá mua thực tế cộng với phần thuế GTGT tương ứng với giá trị trên 1,6 tỷ. Phần khấu hao trên nguyên giá là chi phí hợp lý được ghi nhận;
➤ Theo Luật Thuế: Không được tính vào chi phí phần nguyên giá trên 1,6 tỷ.
Ví dụ:
Công Ty Ngọc Minh kinh doanh dịch vụ tư vấn tài chính, mua xe ô tô để đi lại với giá mua là 1,9 tỷ. Thuế suất 10%. Tài sản khấu hao trong vòng 10 năm tính theo khung khấu hao được quy định lại Thông tư 45/2013/TT-BTC.
– Theo Luật Kế toán, hạch toán:
+ Nợ TK 211: 1.900.000.000 + 30.000.000 = 1.930.000.000đ (30.000.000đ là số thuế trên phần vượt 1,6 tỷ);
+ Nợ TK 133: 160.000.000đ;
+ Có TK 331,112: 2.090.000.000đ.
Định khoản trích khấu hao hàng năm:
+ Nợ TK 642: 193.000.000đ (1.930.000.000/10 năm);
+ Có TK 214: 193.000.000đ.
– Theo Luật Thuế: Kế toán chỉ được đưa vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần khấu hao tương ứng với 1,6 tỷ: 1.600.000.000/10 năm = 160.000.000đ.
>> Xem thêm: Cách tính khấu hao TSCĐ.
- Chi phí phạt vi phạm hành chính
Các khoản phạt như: vi phạm luật giao thông, vi phạm pháp luật về thuế, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán…
➤ Theo Luật Kế toán: Được tính vào chi phí hợp lý, được ghi nhận và hạch toán vào sổ sách;
➤ Theo Luật Thuế: Không được tính vào chi phí hợp lý, không được trừ khi tính thuế TNDN.
Ví dụ:
Công ty Mộc Lan tháng 07/2022 bị phạt vi phạm hành chính do nộp chậm tờ khai thuế giá trị gia tăng là: 2.500.000đ.
– Theo Luật Kế toán, hạch toán chi phí:
+ Nợ TK 811: 2.500.000đ;
+ Có TK 3339: 2.500.000đ.
– Theo Luật Thuế: Công ty phải loại khoản chi phí này ra khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, vì là chi phí không hợp lý.
- Chi phí tiền lương của chủ doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH MTV
➤ Theo Luật Kế toán: Được tính vào chi phí hợp lý, được ghi nhận và hạch toán vào sổ sách kế toán;
➤ Theo Luật Thuế: Không được trừ khi tính thuế TNDN, không được tính vào chi phí hợp lý.
Ví dụ:
Công Ty Gia Phú năm 2021 chi lương cho giám đốc: 240.000.000đ.
– Theo Luật Kế toán, hạch toán:
+ Nợ TK 642: 240.000.000đ:
+ Có TK 334: 240.000.000đ.
– Theo Luật Thuế: Công ty vẫn hạch toán vào chi phí, cuối năm loại chi phí này trên chỉ tiêu B4 bảng quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
- Chi trang phục cho người lao động bằng tiền cho người lao động quá 5 trđ/người/1 năm
➤ Theo Luật Kế toán: Được tính vào chi phí hợp lý, được ghi nhận và hạch toán vào sổ sách kế toán;
➤ Theo Luật Thuế: Không được trừ khi tính thuế TNDN, không được tính vào chi phí hợp lý.
Đối với trường hợp chi bằng hiện vật thì được khấu trừ toàn bộ chi phí khi có đủ hóa đơn, chứng từ.
- Chi phí lãi vay của đối tượng ngoài tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế
➤ Theo Luật Kế toán: Được tính chi phí cho toàn bộ phần chi phí lãi vay theo lãi suất thực tế, được ghi nhận và hạch toán vào sổ sách kế toán;
➤ Theo Luật Thuế: Chỉ tính chi phí hợp lý của phần lãi vay không vượt mức 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm vay.
Ví dụ:
Công ty Bảo Ngọc đầu năm 2022 vay 600tr của chị Hoa để làm vốn kinh doanh, với lãi suất 1.5%/tháng, lãi suất cơ bản theo ngân hàng nhà nước là 9%/năm.
– Theo Luật Kế toán: Hạch toán chi phí lãi vay
+ Nợ TK 635: 600.000.000 x 1.5% = 9.000.000đ;
+ Có TK 112: 9.000.000đ.
– Theo Luật Thuế: Chỉ được tính phần chi phí lãi vay tương ứng với lãi suất 150% lãi suất cơ bản: 600.000.000 x (9%*150%)/12 = 6.750.000đ.
>> Xem thêm: Xác định chi phí lãi vay khi tính thuế TNDN.
III. MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ CHI PHÍ KẾ TOÁN VÀ CHI PHÍ TÍNH THUẾ TNDN
- Doanh nghiệp mình có chi lương cho giám đốc công ty TNHH MTV là cá nhân được chủ sở hữu thuê đứng tên trên giấy phép kinh doanh thì như vậy chi phí theo luật thuế mình có được hạch toán vào chi phí khoản lương và tiền bảo hiểm trích đóng cho giám đốc không?
Trường hợp giám đốc của doanh nghiệp là người được thuê về để làm việc theo luật thuế thì chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp, bảo hiểm sẽ được trừ vào chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và tính thuế thu nhập cá nhân. Vì là khoản chi phí mang tính chất tiền lương, thù lao và lợi ích của người quản lý công ty.
- Doanh nghiệp mua xe ô tô 2 tỷ chuyên kinh doanh hàng hóa, trên giấy phép có thể hiện ngành nghề đăng ký kinh doanh là vận tải hành khách doanh nghiệp có được tính vào chi phí khoản trên 1,6 tỷ không?
Vì doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh ngành nghề mục đích liên quan đến vận tải thuộc đối tượng được khấu trừ hết toàn bộ khi mua xe, nên khoản chi phí mua xe 2 tỷ của doanh nghiệp được tính là chi phí hợp lý toàn bộ.